NhacXua

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa tuyệt khúc bất hủ “Khúc Thuỵ Du” (Anh Bằng, Du Tử Lê) – Được phổ nhạc trên lời của một bài thơ bi thương _Nhacxua

Khúc Thuỵ Du Là một bài thơ của Du Tử Lê sáng tác vào năm 1968, đây cũng là một trong những bài thơ nổi tiếng trong sự nghiệp của ông. Vào những năm sau đó nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, tuy nhiên bài thơ và bài hát tuy cùng một tựa đề nhưng trọng điểm nói đến lại có chút khác nhau. Nói về hoàn cảnh ra đời và điểm khác biệt giữa bài hát và bài thơ của mình, thi sĩ Du Tử Lê đã từng tâm sự:

 “Bài Khúc Thụy Du tôi viết vào năm 1968, khoảng thời gian vừa xảy ra cái Tết Mậu Thân. Hồi đó, tôi làm phóng viên chiến trường, được cử đi tường thuật về một trận đánh mà tôi còn nhớ là ở trên đường ra Quang Trung. Khi tôi đi như vậy thì còn giới nghiêm, dọc đường gần như không có người. Tôi thấy những xác chết, những cánh tay, những phần thân thể bị văng lủng lẳng trên các dây điện. Tôi cũng nhìn thấy những con chó hoang, vì chủ đã bỏ đi lánh nạn, gặm những khúc xương người. Tôi bị chấn động trước cảnh tượng này và làm ra bài thơ. 

Nhạc sĩ Anh Bằng

Khi về, một người bạn của tôi ngày đó, anh Trần Phong Giao, làm tờ báo Văn, làm một số báo sau biến cố Tết Mậu Thân, hỏi xin bài. Tôi đưa bài thơ đó cho anh. 

Tôi muốn nói Khúc Thụy Du là một bài thơ mới về chiến tranh. Nó hoàn toàn không phải là một bài thơ tình. Tình yêu trong Khúc Thụy Du của tôi chỉ là một điểm xuyết thôi. Tôi đặt vấn đề là trong một cuộc chiến tranh như vậy, chết chóc như vậy, thì tình yêu nó sẽ như thế nào, nó sẽ thảm hại ra làm sao, và cuối cùng vẫn là định mệnh con người, cuộc sống của con người nó hoàn toàn vô nghĩa, nên bài thơ mới mở đầu bằng câu hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa. 

Nhưng năm 1983, khi anh Anh Bằng mua được cuốn thơ đó, lại chọn ra, tôi nói rõ, anh ấy chọn ra những câu thơ nói về tình yêu chứ không phải là những câu thơ nói về chiến tranh, mặc dù những câu thơ nói về tình yêu chỉ là 1/10 của bài thơ đó”

Nhà Thơ Du Tử Lê

Và nhà thơ cũng công nhận rằng sưc lan tỏa và thẩm thấu của bài hát “rộng, sâu, lâu, bền” hơn bài thơ rất nhiều và cũng là bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng nhất của ông. Quả thật điều đó là không sai, bài hát ấy đã trở thành một tình khúc vượt thời gian, nó nổi tiếng vượt xa cả sức tưởng tượng của mọi người, vượt qua cả không gian lẫn thời gian.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Quang Dũng

Bấm vào để nghe ca khúc “Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Quang Dũng

Bài hát bắt đầu bằng lời mở “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa”, trong hoàn cảnh đất nước đang chìm dần trong đau thương và tang tóc ấy, chàng trai ngẫm nghĩ lại cuộc đời của chính mình. Mọi thứ mà anh đang theo đuổi sẽ chỉ còn lại vỏn vẹn 2 từ “trống vắng” khi mà anh trở về với “bên kia thế giới”. Bất giác lòng anh thầm réo gọi “Thụy ơi, và tình ơi!”, dường như đó chính là sự trăn trở về cuộc đời và sự lo lắng cho tình yêu sau này của chính anh và người con gái mà anh thương.

Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữa

Sẽ lấy được những gì

Về bên kia thế giới

Ngoài trống vắng mà thôi

Thụy ơi, và tình ơi !

 

Như loài chim bói cá

Trên cọc nhọn trăm năm

Tôi tìm đời đánh mất

Trong vũng nước cuộc đời

Thụy ơi, và tình ơi!

Rồi tự ví mình như loài chim bói cá đang đậu trên cọc nhọn, để mà tìm kiếm lại cuộc đời đã đánh mất “vũng nước cuộc đời”.

Có lẽ đây chính là hình ảnh ví von đắt giá nhất của cả bài hát, là hình ảnh tượng trưng cho một con người đang trên đường đi tìm kiếm lý tưởng, chân lý và tình yêu, hạnh phúc của cuộc đời mình, như là “loài chim bói cá” cứ miệt mài “trên cọc nhọn trăm năm”, dù khó khăn, dù gian khổ cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. 

Nhưng cuộc kiếm tìm ấy dường như đang mịt mù trong vô vọng, anh cứ tìm, cứ kiếm nhưng cô ở đâu “Thụy ơi, và tình ơi!

Đừng bao giờ em hỏi

Vì sao ta yêu nhau

Vì sao môi anh nóng

Vì sao tay anh lạnh

Vì sao thân anh rung

Vì sao chân không vững

Vì sao, và vì sao !

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Tuấn Ngọc

Bấm vào để nghe ca khúc “Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Tuấn Ngọc

Thế nhưng dù đó là vô vọng thì anh cũng sẽ tìm kiếm đến cùng, tìm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình. Vì sao ư? để trả lời cho câu hỏi đó, anh bảo rằng “đừng bao giờ em hỏi” – đừng hỏi anh “Vì sao ta yêu nhau/ Vì sao môi anh nóng/ Vì sao tay anh lạnh/ Vì sao thân anh rung”, hay “Vì sao chân không vững” và nhiều câu hỏi “Vì sao, và vì sao” khác nữa. Vì anh cũng không thể nào có thể lý giải được rõ ràng và tường tận cho cô hiểu được. Thứ duy nhất anh có thể trả lời đó chính là vì yêu, vì yêu cô nên anh mới cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc của một bờ môi nóng, anh hồi hộp đến lạnh buốt cả bàn tay và tấm thân, bàn chân của anh cũng không còn theo ý của anh mà như bình thường được nữa.

Nhưng tình yêu ấy cũng “như lưỡi dao”, “như mũi nhọn” sắc bén và dứt khoát, “êm ái và ngọt ngào” cắt đứt đi “cuộc tình đầu” của anh, khiến cho anh phải đau đớn, luyến thương. Nhưng đó chính là cuộc đời, chính là tình yêu. Nó đến và đi mà không một lời hẹn trước. Giờ đây anh khi nhớ về những ngày xưa, anh vẫn luôn da diết mà thầm hỏi “

Advertisement
Thụy bây giờ về đâu?

Hãy nói về cuộc đời

Tình yêu như lưỡi dao

Tình yêu như mũi nhọn

Êm ái và ngọt ngào

Cắt đứt cuộc tình đầu

Thụy bây giờ về đâu?

Hai câu hát cuối cùng là sự sáng tạo thêm của nhạc sĩ Anh Bằng. Qua đó chúng ta có thể thấy được sự tinh tế của ông trong cách sử dụng ngôn từ. Sự đau khổ của một con người trải qua một cuộc tình khắc cốt ghi tâm không thành được ông diễn tả một cách vô cùng nhẹ nhàng và êm ái. Không quá bi lụy, cũng không oán hờn, không trách móc ai, chỉ là vì tình yêu, vì yêu nên không thành thì cũng đành chấp nhận mà thôi.

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Em Đi Rồi, Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Mai Thanh Sơn, Y Phương

Bấm vào để nghe ca khúc “Em Đi Rồi, Khúc Thuỵ Du” Trình bày: Mai Thanh Sơn, Y Phương

Vì nội dung tổng thể của bài thơ và bài hát là hoàn toàn khác nhau, nên một số khán giả cho rằng nhạc sĩ Anh Bằng chưa chuyển tải hết nội dung mà bài thơ muốn mang lại. Nhưng như nhà thơ đã nói ở trên, nhạc sĩ Anh Bằng chính là có chủ ý muốn diễn tả tình yêu – một yếu tố phụ trong bài thơ. Ông không hề làm mất đi tinh thần của bài thơ mà chỉ muốn kể về một mẩu chuyện nhỏ trong đó. 

Và theo tôi, điều đó không những không làm giảm đi tinh thần của bài thơ mà càng tôn vinh được ý nghĩa lớn hơn của bài thơ mà thi sĩ muốn mang lại hơn nữa. Vì nghe bài hát, rồi qua đọc bài thơ cái tình yêu thiết tha của bài hát đã phần nào làm dịu đi nỗi tang thương nơi bài thơ, và cũng làm nỗi đau đó thấm thía hơn, ý nghĩa hơn. Dù có chút mâu thuẫn trong lời nói, nhưng đó thực sự là cảm nhận của chính bản thân tôi.

KHÚC THỤY DU

1.Như con chim bói cá. Trên cọc nhọn trăm năm

Tôi tìm đời đánh mất. Trong vũng nước cuộc đời

 

Như con chim bói cá. Tôi thường ngừng cánh bay

Ngước nhìn lên huyệt lộ. Bầy quạ rỉa xác người (Của tươi đời nhượng lại)

Bữa ăn nào ngon hơn. Làm sao tôi nói được

 

Như con chim bói cá. Tôi lặn sâu trong bùn

Hoài công tìm ý nghĩa. Cho cảnh tình hôm nay

Trên xác người chưa rữa. Trên thị.t người chưa tan

Trên cánh tay chó gậm. Trên chiếc đầu lợn tha

 

Tôi sống như người mù. Tôi sống như người điên

Tôi làm chim bói cá. Lặn tìm vuông đời mình

 

Trên mặt đất nhiên lặng. Không tăm nào sủi lên

Đời sống như thân nấm. Mỗi ngày một lùn đi

Tâm hồn ta cọc lại. Ai làm người như tôi?

 

2. Mịn màng như nỗi chết. Hoang đường như tuổi thơ

Chưa một lần hé mở. Trên ngọn cờ không bay

 

Đôi mắt nàng không khép. Bàn tay nàng không thưa

Lọn tóc nàng đêm tối. Khư khư ôm tình dài

 

Ngực tôi đầy nắng lửa. Hãy nói về cuộc đời

Tôi còn gì để sống. Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữa. Sẽ mang được những gì

Về bên kia thế giới. Thụy ơi và Thụy ơi

 

Tôi làm ma không đầu. Tôi làm ma không bụng

Tôi chỉ còn đôi chân. Hay chỉ còn đôi tay

Sờ soạng tìm thi thể. Quờ quạng tìm trái tim

Lẫn tan cùng vỏ đạn. Dính văng cùng mảnh bo.m

Thụy ơi và Thụy ơi

 

Đừng bao giờ em hỏi. Vì sao mình yêu nhau

Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh

Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững

Vì sao anh van em. Hãy cho anh được thở

Bằng ngực em rũ buồn. Hãy cho anh được ôm

Em, ngang bằng sự chết

 

Tình yêu như ngọn dao. Anh đâm mình, lút cán

Thụy ơi và Thụy ơi. Không còn gì có nghĩa

Ngoài tình em tình em. Đã ướt đầm thân thể

Anh ru anh ngủ mùi. Đợi một giờ linh hiển.

Bài thơ nguyên bản dài hơn 100 câu, nhưng khi được đăng lên tạp chí đã cắt bỏ gần ⅓ bài, và cả nhà thơ cũng không còn bản viết tay lúc trước nữa, nên đã dùng dị bản mà tờ báo đã đăng khi xuất bản tập thơ sau này. Từ tập thơ đó nhạc sĩ Anh Bằng đã tạo nên một Khúc Thụy Du như ngày hôm nay.

Có một điều nữa có lẽ hầu như ai cũng sẽ không khỏi thắc mắc, đó là người con gái tên Thụy trong bài thơ (bài hát) là ai? Theo lý giải của nhà thơ, Thụy là tên lót của người con gái khoa dược mà ông theo đuổi lúc bấy giờ – bà Thụy Châu, vợ đầu của nhà thơ. Cũng có người bạn thân thiết ngờ rằng đó là cô gái nhỏ tên Thụy Du, bạn học của cô cháu gái Du Tử Lê. Nhưng dù đó là ai thì cũng không thể thay đổi được sự thật hiển nhiên là nó đã sống mãi trong lòng những người yêu thơ nhạc Việt nam. Và những ca sĩ gắn liền với cái tên Khúc Thuỵ Du cũng nhiều vô số kể nhưng có lẽ với riêng tôi cái tên Tuấn Ngọc luôn hiện diện mỗi khi tôi muốn nghe lại bài hát này.

Lối Cũ biên soạn

Advertisement

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *