SGxua

Những hình ảnh quý hiếm về Sài Gòn năm 1882 qua bộ ảnh được Tòa lãnh sự Pháp công bố _sgx

Sau khi Pháp chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, người lãnh đạo cao nhất của vùng đất này là Thống đốc Nam Kỳ. 20 năm đầu tiên, Thống đốc Nam Kỳ là những Thủy Sư Đô Đốc, thuộc về hải quân, còn gọi là các đô đốc quân sự. Phải tới năm 1879, Nam kỳ mới có đô đốc dân sự đầu tiên, là nhà ngoại giao Charles Le Myre de Vilers, chấm dứt thời kỳ thống đốc quân sự kéo dài 20 năm tại đây.

Trong thời gian tại vị, Charles Le Myre de Vilers có nhiều đóng góp trong buổi đầu kiến lập thành phố Sài Gòn, như tách quyền hạn rõ ràng giữa dân sự và quân sự, làm rõ và cải tổ luật hình sự, thiết lập hội đồng thành phố và các hội đồng quận. Dưới thời của ông, những công trình lớn đầu tiên của Sài Gòn bắt đầu được xây dựng, và đa phần trong số đó vẫn còn cho tới ngày nay.

Trước khi hết nhiệm kỳ năm 1882, ông Le Myre de Vilers đã xúc tiến việc chụp hình các tòa nhà và hạ tầng cơ sở được xây dựng trong 3 năm nhiệm kỳ của ông.

Bộ ảnh này có đến hàng trăm tấm, đã ngủ yên trong suốt 120 năm trong kho lưu trữ của Bộ ngoại giao Pháp, cho tới năm 2002, một số trong đó đã được Tổng lãnh sự Pháp kết hợp cùng Air France in trong cuốn sách mang tên Regard sur le monde: Saigon 1882.

Đây là cuốn sách không phát hành trên thị trường, nên vô cùng quý hiếm, cho thấy những hình ảnh Sài Gòn từ hơn 140 năm trước mà rất ít người được chiêm ngưỡng.

Những hình ảnh này không chỉ là một phóng sự ảnh về thành phố Sài Gòn những năm bắt đầu được kiến tạo, mà còn được xem là một bộ catalog về kiến trúc và đô thị. Bởi vì hình ảnh con người, cả người bản xứ lẫn người Âu, được tách khỏi khung ảnh. Tất cả những chiếc xe ngựa hoặc xe kéo đều không hiện diện trong bộ ảnh này. Cảnh bề bộn, hỗn độn của đường phố, hàng hóa, tiếng ồn và các loại mùi tỏa ra từ chợ, mồ hôi của những người thợ, tất cả đều đã được loại bỏ. Khung cảnh xã hội của thành phố và những mâu thuẫn của việc thực dân hóa không phải là mục đích của Thống đốc de Vilers khi chỉ đạo chụp bộ ảnh này

Mục đích thực sự của ông là phô bày cho người Pháp ở chính quốc thấy được những thứ đẹp đẽ, những thành tựu mà ông đã đạt được ở thuộc địa, và dĩ nhiên, ém nhẹm đi những mặt trái của kẻ đi xâm chiếm thuộc địa, những mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt giữa kẻ thống trị và người bị trị, những cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra.

Lúc đó, ngay tại Pháp, ông Myre de Vilers luôn bị Bộ Thuộc địa nghi ngờ về năng lực, nên ông muốn chứng tỏ với các lãnh đạo ở chính quốc thấy ông đã thành công trong việc biến Sài Gòn thành thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông.

Bây giờ, mời bạn cùng khám phá Sài Gòn 140 năm trước bằng một chuyến tản bộ bằng mắt. Chúng ta đang ở thế kỷ 19, năm 1882.

Thứ bạn thấy đầu tiên khi tới Sài Gòn sẽ là Cảng Sài Gòn, bạn đang cập bến trước công ty Vận tải Hàng Hải, sau đó đi ngược lên con kênh đào dẫn tới trung tâm thành phố (con kênh ngày nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ), đi qua trước Chợ Cũ (nay là vị trí gần cao ốc Bitexco 63 tầng, phía đường Nguyễn Huệ). Cách đó không xa, bạn sẽ thấy những khu phố bình dân, và các sạp hàng của các thương nhân. Sau đó, các bạn đến vùng đất cao ráo của thành phố, nơi tập trung nhiều công sở và nhà ở của người Âu.

Đây là hình ảnh Bến cảng Sài Gòn năm 1882, với một trong những công trình kiên cố đầu tiên mà Pháp xây dựng ở Viễn Đông, ngày nay gọi là Bến Nhà Rồng.

Đây là trụ sở của hãng Messageries impériales (Công ty Vận tải Hoàng Đế), được xây dựng vào năm 1862 tại ngã 3 sông Sài Gòn và Kinh Tàu Hủ (người Pháp gọi là Kinh Trung Hoa – arroyo chinois). Năm 1871, do ảnh hưởng của nền Cộng hòa nên hãng tàu biển Messageries impériales đã đổi tên lại thành Messageries maritimes (Công ty Vận tải Hàng Hải).

Nơi này được xem như cửa ngõ để vào Sài Gòn cũng như là toàn bộ xứ thuộc địa của Pháp. Cột cờ Thủ Ngữ cũng được xây dựng vào thời gian này, đến nay vẫn còn sau hơn 160 năm, đóng vai trò như là một ngọn hải đăng để báo tín hiệu cho tàu thuyền.

Cách Nhà Rồng chỉ vài trăm mét về phía Nam là vùng thuộc làng Khánh Hội, một trong 4 trung tâm đô thị nhỏ của tỉnh Gia Định thời triều Nguyễn. Phần lớn các gia đình sống ở đây sống bằng nghề chuyên chở, buôn bán trên sông, kinh rạch, là những người đảm bảo cho đường thủy – đường giao thông chính yếu ở đây trước khi người Pháp tới chiếm Nam Kỳ.

Khi Charles le Myre de Vilers tới Sài Gòn nhậm chức thống đốc năm 1879, lực lượng hải quân nắm toàn bộ việc quản lý xứ thuộc địa kể từ khi họ xâm chiếm thành công xứ này từ năm 1861, nhưng từ sau đó họ phải trao quyền lại cho chính quyền dân sự.

Vào năm 1881, đội thuyền của Hải quân có khoảng 1 chục tàu, được gọi là “trạm hải quân xứ Nam kỳ”, có nhiệm vụ giữ an ninh các bờ biển và an ninh đường sông. Để bảo quản, bảo dưỡng tàu thuyền, một ụ nổi có nhiệm vụ sữa tàu được hạ thủy lần đầu vào ngày 28/8/1881. Tuy nhiên ụ nổi đầu tiên này bị chìm chỉ sau 1 tuần. Hình này chụp ụ nổi khác được làm lại sau đó. Vị trí ụ nổi nằm ở khu vực Ba Son hiện tại.

Sài Gòn có vô số kinh rạch chằng chịt, trước khi người Pháp tới lấp đi lần lượt để xây dựng những con lộ. Trong hình này là con kinh đào lớn, đi dọc theo 2 con đường 2 hai bên, lúc này mang tên là Charner và Rigault de Genouilly. Kinh này nối Thương cảng với khu chợ lớn nhất Sài Gòn lúc đó (chợ Bến Thành thứ 2, sau gọi là Chợ Cũ).

Ngay khi Sài Gòn được quy hoạch xây dựng từ giữa thập niên 1860, đã có sự tranh cãi kịch liệt diễn ra ngay giữa Hội đồng thành phố về việc có nên lấp con kinh này hay không, giữa một bên là những đại diện cho thương nhân hưởng lợi từ việc buôn bán ở khu chợ này, và 1 bên là những người đấu tranh cho vệ sinh công cộng, xem kinh đào này như là 1 ổ nhiễm khuẩn nằm ngay cửa ngõ Sài Gòn.

Lúc đó, chính quyền đang tập trung kinh phí để xây dựng các công sở nằm ở khu đất cao, nên việc lấp kinh xây đường ở chỗ này phải dời lại. Cho tới tận năm 1887, kinh Charner (Kinh Lớn) mới được lấp thành Đại lộ Charner, nối bờ sông với vị trí dự định xây một tòa thị chính (sau là Dinh Xã Tây, nay là trụ sở UBND). Ngày nay, con kinh này chính là phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đây là hình ảnh ngôi chợ đã nhắc tới bên trên. Trong lịch sử, Chợ Bến Thành từng nằm ở 3 vị trí. Vị trí đầu tiên nằm ở gần cột cờ Thủ ngữ, sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn thì họ cho dời chợ vô trong 1 chút, chính là ngôi chợ trong hình bên trên, nằm ở vị trí tòa nhà Bitexco 68 tầng ngày nay, nhưng mặt tiền quay ra Kinh Lớn (đường Nguyễn Huệ ngày nay).

Hàng hóa trong chợ này được cung ứng từ kinh Charner nối tới Thương cảng Sài Gòn. Toàn bộ không gian chợ được chia thành 3 khu riêng biệt, do 1 ông trị sự thương mại thành phố quản lý. Đọc lại các biên bản của Hội đồng thành phố còn lưu lại, cho biết ông trị sự này bị hầu hết các thương nhân trong chợ căm ghét, chỉ vì ông làm việc rất gắt gao khi buộc mọi người phải tuân thủ những quy định của chợ, kiếm tra thu thuế môn bài, và buộc tiểu thương phải sử dụng hệ thống đo lường của Pháp.

Đến đầu thế kỷ 20, ngôi chợ này bị xuống cấp sau nhiều cơn bão, hỏa hoạn, có thể bị sụp đổ bất kỳ lúc nào. Vì vậy chính quyền quyết định dẹp bỏ chợ này và xây dựng chợ Bến Thành khác, là chợ Bến Thành thứ 3, ở vị trí như ngày nay.

Một góc ảnh hiếm về Kinh Lớn, đoạn ngày nay là 1 phần của phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cây cầu bắc qua kinh có thể thấy trong hình này, nằm ở vị trí ngã tư Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế của ngày nay. Góc ngoài cùng bên phải có thể thấy tháp Doudart de Lagrée, nằm ở vị trí gần Tòa Hòa Giải (nay là cao ốc Sunwah), góc Nguyễn Huệ – Mạc Thị Bưởi. Sau đó tháp này được dời 2 lần nữa, qua chỗ đầu đại lộ Bonard, rồi Place Rigault de Genouilly (sau là công trường Mê Linh) trước khi bị phá hủy trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

Dãy nhà dọc theo đường Charner trong hình này nằm sát với chợ, được nhà nhà thầu người Hoa từ Singapore xây dựng, được chia thành nhiều căn nhà cho các thương nhân mướn để buôn bán. Dãy nhà ống này có cấu trúc đặc trưng mà sau này thấy nhiều ở dọc kinh Tàu Hũ bên Chợ Lớn. Tầng dưới để buôn bán, tầng trên là nơi ở.

Hình ảnh này được chụp từ dãy nhà kiểu người Hoa nằm bên cạnh chợ. Đường bên trái kinh là đường Charner, đường bên phải là đường Rigault de Genouilly. Sau năm 1887, khi chính quyền lấp kinh này, thì 2 con đường nhập làm 1, thành đại lộ rộng lớn mang tên Charner. Trong góc ảnh này, có thể thấy rõ cây cầu bắc qua kinh, và tháp Doudart de Lagrée, như đã nói ở bên trên.

Các con đường của Sài Gòn vào năm 1882 được quy hoạch theo kiểu bàn cờ, đặc thù của các thành phố thuộc địa hồi thế kỷ 19. Các đường song song và vuông góc cắt nhau tạo thành những khoảng đất lớn, đảm bảo việc quy hoạch, xây dựng công sở một cách hài hòa, cho phép thành phố phát triển lâu dài.

Năm 1882, dưới thời Thống đốc Charles le Myre de Vilers, Hội đồng quản hạt Nam kỳ đã đã mua đứt lại tòa nhà trong hình bên trên với giá 254.000 francs để làm Tòa thị chính tạm thời, trong khi chờ đợi xây dựng một Tòa thị chính chính thức cho thành phố Sài Gòn, tức Dinh Xã Tây sau này, nay là trụ sở UBND thành phố.

Tòa nhà này có thể xem là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản…

Tòa nhà này được gọi là Tòa nhà Wang Tai, được xây dựng từ năm 1867, ban đầu là tư dinh của đại phú gia người Hoa tên là Wang Tai (Vương Thái), một phần khác làm khách sạn tên là Cosmopolitan, một phần cho người Pháp thuê làm văn phòng, trước khi được chính quyền mua lại năm 1882.

Tới năm 1887, toà nhà này được sửa lại gần như hoàn toàn, theo thiết kế của kiến trúc sư Foulhoux, trở thành tòa nhà vẫn còn lại cho tới nay, nằm ở đầu đường Hàm Nghi.

Foulhoux cũng là tác giả của nhiều công trình kiến trúc độc đáo trên 100 tuổi còn lại cho đến ngày nay là Bưu điện Sài Gòn, Tòa án, Dinh thượng thơ, Dinh Gia Long…

Nhà hàng café mang tên: de Marseille et de l’hôtel d’Europe, nằm trên con đường mang tên Quai du commerce, tức Bến Bạch Đằng sau này, đoạn giữa Nguyễn Huệ và Đồng Khởi ngày nay.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, có khoảng vài chục quán cà phê với đủ hạng ở Sài Gòn, từ quán vỉa hè cạnh bờ sông dành cho thủy thủ, cho đến những quán sang trọng tập trung trên đường Catinat, tất cả đều nằm làm cho người Pháp có thể “khuây khỏa sự buồn tẻ ở xứ nhiệt đới thuộc địa”, của một cộng đồng chỉ có khoảng 1800 người vào năm 1883.

Vào giờ tan sở, người Pháp tụ tập ở các quán cà phê để tận hưởng thời điểm mát mẻ của buổi chiều, và đây là 1 trong những quán cà phê đầu tiên, nổi tiếng nhất thời đó.

Một điều đặc biệt, quán này nằm trên đường Quai du commerce, tới năm 1896 đường đổi tên thành Quai Francis Garnier, và 1920 lại đổi tên thành Quai le Myre de Vilers, tức là tên ông Thống đốc Nam kỳ nhắc tới trong bài này.

Có lẽ không cần phải nói nhiều về công trình mang tính biểu tượng này của Sài Gòn. Chỉ có 1 vài điều đáng lưu ý, đó là Nhà thờ được xây năm 1877, và hoàn thành năm 1880, trong nhiệm kỳ của ông Vilers. Lúc này Nhà thờ chưa có tháp chuông nhọn, vì phải tới năm 1896, chóp tháp chuông mới được xây thêm để thành hình dáng như hiện tại.

Advertisement

Ban đầu, Nhà thờ Chánh Tòa này được người Pháp gọi đơn giản là Nhà thờ Sài Gòn (Cathédrale de Saigon), còn người dân thì gọi là Nhà thờ Nhà nước.

Sau khi Nhà thờ Nhà nước được hoàn thành, đã có nhiều cuộc tranh cãi dữ dội trong chính trường Pháp, là vì sao phải tốn quá nhiều tiền, chiếm tới 1/10 ngân sách xứ thuộc địa để xây. Vì vậy người ta đã gọi công trình này là “sự chi tiêu điên rồ”.

Tới năm 1959, sau sự kiện đặt bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình lên trên phần đế cũ của tượng linh mục Bá Đa Lộc đã bị Việt Minh phá bỏ năm 1945, từ đó nhà thờ Sài Gòn được gọi là Nhà thờ Đức Bà, tên đầy đủ và chính thức là là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

Hình ảnh này có lẽ được chụp năm 1877, khi Nhà thờ Sài Gòn chỉ đang ở khâu đào móng. Chính giữa hình là một phần mái của nhà tạm đang che công trình xây dựng Nhà thờ. Con đường trong hình chính là đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), dẫn về phía Dinh Thống Đốc Nam Kỳ (Dinh Norodom) ở bìa bên phải hình. Công trình nhà bên trái, sát với công trình xây dựng nhà thờ, lúc này là Le Cercle des officiers, tức Câu lạc bộ sĩ quan, ngày nay trở thành trụ sở UNBD – HĐND Quận 1 ở số 47 đường Lê Duẩn.

Xung quanh khu vực này là vùng đất nhô cao lên trên phần đầm lầy trũng của Sài Gòn, là nơi xây dựng hầu hết các công sở quan trọng nhất của vùng thuộc địa Nam Kỳ. Và vì vậy, các sĩ quan cao cấp lấy vùng này làm khu vực của họ, và CLB sĩ quan Hải Quân này được xây năm 1876, là nơi hội họp chính của họ.

Tòa nhà này chính là 1 trong những tòa nhà kiên cố đầu tiên được chính quyền thuộc địa xây dựng ở Sài Gòn, chỉ đứng sau Dinh Thống Đốc và Bệnh viện Quân Y. Vì vậy, khác với một tòa nhà của doanh nghiệp được xây trước đó là Nhà Rồng, tòa nhà sĩ quan này tuân theo những chuẩn mực của kiến trúc thuộc địa,

Nhắc nhiều tới Thống đốc Nam Kỳ Myre de Vilers, không thể không nói tới nơi ở và làm việc của ông, chính là Dinh Norodom, tức là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, công trình đồ sộ nhất Đông Dương thời đó, và là trung tâm quyền lực của toàn cõi thuộc địa.

Vì sao tên gọi dinh này là Norodom? Đó là vì khi công trình này được khởi công xây dựng năm 1868, cũng là lúc vua Cao Miên là Norodom ký hiệp ước để trở thành xứ thuộc địa của Pháp. Nhân sự kiện đó, Pháp đặt tên Dinh Thống đốc ở Nam kỳ là Norodom, để bày tỏ sự ủng hộ với ông vua đã giúp họ họ có được xứ Cao Miên mà không tốn một viên đạn nào.

Dinh Norodom được hoàn thành vào năm 1875, theo thiết kế của kiến trúc sư Hermitre, phong cách kiến trúc tân baroque Napoleon III. Tòa nhà lộng lẫy nhất toàn cõi Đông Á thời điểm đó, đã ngốn hết 1/4 ngân sách của xứ thuộc địa.

Tuy vậy, do tòa nhà này được xây vào thời điểm Pháp vẫn chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện khí hậu ở Sài Gòn, nên sau đó trải qua nhiều đợt sửa chữa. Năm 1893, mái vòm phía trước phải được làm lại hoàn toàn.

Việc sửa sang liên tục của Dinh Norodom đã dẫn tới những phí tổn khổng lồ, và cứ mỗi buổi họp của Hội đồng thành phố lại dấy lên những cuộc tranh cãi không ngừng về việc tái cấp kinh phí để trung tu Dinh thự lộng lẫy này.

Sau khi Liên bang Đông Dương được thành lập, chức danh Toàn quyền Đông Dương ra đời từ năm 1887, chức danh Thống đốc Nam kỳ trở thành cấp dưới của Toàn quyền, nên Dinh Norodom trở thành Dinh Toàn Quyền ở Sài Gòn, các Thống đốc Nam kỳ chuyển qua sử dụng Tòa nhà bảo tàng thương mại (được gọi là Dinh Phó Soái, sau là Dinh Gia Long).

Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm sử dụng dinh thự này làm phủ Tổng thống, đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. năm 1962, Dinh Độc Lập bị hư hại nặng nề trong 1 cuộc đảo chánh, nên đã bị đập bỏ để xây dựng lại 1 công trình khác tại vị trí cũ, theo thiết kế của Ngô Viết Thụ.

Hình ảnh năm 1882 của Bệnh viện Quân Y Pháp (Hôpital Militaire).

Ban đầu, Hôpital Militaire chủ yếu là khám chữa bệnh cho những lính hải quân bộ binh tạm trú. Ngoài ra, ngay từ lúc đó thì Hôpital Militaire cũng đã nhận chữa bệnh cho cả lính và công chức người Việt làm việc cho Pháp.

Cơ sở trong hình là cơ sở thứ 2 của bệnh viện này, được xây năm 1870, cách vị trí cơ sở cũ khoảng 100m.

Từ năm 1905 trở đi, Hôpital Militaire được bác sĩ Charles Grall điều hành, đã mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự, kể cả dân bản xứ.

Năm 1925, Hôpital Militaire chuyển đổi thành bệnh viện đa khoa và đổi tên thành Hôpital Grall (Bệnh viện Grall), để vinh danh bác sĩ Charles Grall – Giám đốc Y tế Nam Kỳ.

Sau khi quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Dương vào tháng 4 năm 1956, Bộ Ngoại giao Pháp đã ký với chính phủ VNCH một hiệp định để cho phép người Pháp tiếp tục được sở hữu và điều hành bệnh viện Grall (tương tự một số bệnh viện Pháp khác).

Sau 1975, Bệnh viện Grall chuyển giao cho chế độ mới, đến năm 1978 đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2, chấm dứt thời kỳ bệnh viện đa khoa và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi cho đến nay.

Bệnh viện Quân Y là một trong những thí dụ điển hình của kiến trúc ban đầu của thuộc địa, vừa đáp ứng yêu cầu về chức năng sử dụng, vừa bảo đảm vệ sinh và thẩm mỹ. Năm 1882, đây là bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á, và là bệnh viện có nhiều bệnh nhất nhất vì sự hoành hành của các bệnh miền nhiệt đới, như bệnh đường ruột, sốt thương hàn và dịch tả, là những nguyên nhân hàng đầu làm lính viễn chinh Pháp tử vong vì không thích nghi được với khí hậu.

Nhờ được xây dựng theo hướng thuận gió trên khu đất cao của thành phố, bệnh viện này rất thoáng đãng và cũng không bị nắng nhờ các rào thưa nằm dọc theo các hành lang.

Năm 1995, lúc bệnh viện mang tên là Nhi Đồng 2, đã được trùng tu lớn nhờ sự giúp đỡ của nước Pháp, nhưng kiến trúc bề ngoài vẫn giữ nguyên như ban đầu.

Đây là 1 công trình đặc biệt mà 1 phần của nó vẫn còn cho tới nay. Khối nhà chính giữa được làm bằng sắt tiền chế, có kiểu dáng y hệt Bệnh viện Quân Y như đã nói bên trên, Sở dĩ như vậy là vì nó được xây dựng cùng thời điểm.

Vị trí công trình này nằm ngay bên trên nền cũ của thành Gia Định (thành Phụng của vua Minh Mạng cho xây), là một doanh trại lính bộ binh Pháp. Dân Sài Gòn gọi đây là thành Ông-Dèm, đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11). Sở dĩ có tên gọi như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp.

Trại lính này được xây dựng năm 1873, là 1 ví dụ điển hình của công binh ở Đông Dương. Trại lính đáp ứng 2 yếu tố chính: tập trung các đoàn quân dọc theo các con đường chiến lược và đảm bảo cho đội quân viễn chinh có những nơi ở sách sẽ tránh bệnh tật. Các sĩ quan công binh đã chọn vị trí xây dựng tại giao điểm của đại lộ Norodom và thành Gia Định cũ.

Cũng giống như bệnh viện Quân Y, tòa nhà được xây thoáng mát, thông gió qua những vòm rộng, và toàn bộ khối nhà được nâng cao lên nhờ hệ thống móng nhằm hạn chế bị ẩm ướt.

Từ sau năm 1955, thời đệ nhất cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên thành Thành Cộng Hòa, trở thành nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tiểu đoàn nhanh chóng được nâng lên thành Liên đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.

Sau năm 1963, Thành Cộng Hòa bị phế bỏ. Để thuận tiện cho việc mở đường, nối thông đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) với đường Đinh Tiên Hoàng, người ta đập bỏ khúc giữa của dãy nhà dài ở phía trong, còn những khu nhà hai bên được sửa sang lại làm thành trường học. Con đường hình thành giúp cho việc đi lại từ trung tâm Quận Nhứt về Đa Kao được rút ngắn hơn rất nhiều.

Từ năm 1965, toàn bộ khu này được quy hoạch thành khu đại học, từ sau đó các tòa nhà còn lại của thành Ông Dèm/thành Cộng Hòa trở thành trường Văn Khoa, Dược, Canh Nông.

Tư dinh của Tổng Đốc Phương, một đại phú gia tiêu biểu của Sài Gòn, và là người tích cực hợp tác với Pháp trước khi trở nên giàu có.

Để nói về Tổng Đốc Phương và tòa nhà này, xin trích tư liệu của người Pháp, trong đó có bá tước bá tướᴄ Piеrrе Barthélеmy, và Toàn quyền Paul Doumer (sau là Tổng thống Pháp) mô tả lại sau khi tới thăm dinh thự này:

Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu νà Á. Sân trong thiết kế thеo kiểu Trung Hoa, ᴄhung quanh sân là ᴄáᴄ phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng ᴄhú ý. Đối diện νới salon này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một ᴄông trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ đượᴄ ᴄẩn xà ᴄừ. Những ᴄột nhà làm bằng gỗ tеᴄk rất quý, trụ mái nhà ᴄủa phòng salon này trông rất thanh tao νà trên một bàn làm bằng gỗ quý là những ᴄhai rượu absinthе, amеr Piᴄon νà những sản phẩm ᴄủa Pháp kháᴄ. Ông Phủ thíᴄh đãi kháᴄh ᴄáᴄ đồ ăn đặᴄ biệt, νà ông ta ᴄũng biết thưởng thứᴄ ᴄáᴄ loại rượu ᴄủa ᴄhúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất ᴄả sự giàu sang ᴄủa nội thất An Nam này, thì phải νiết rất nhiều trang giấy…”

Toàn quyền Paul Doumеr, trong hồi ký νề Đông Dương, ᴄó nói νề Nam kỳ νà ông Đỗ Hữu Phương như sau:

“Ông Phủ ở Chợ Lớn tiếp kháᴄh người Âu trong nhà ông, mời uống rượu Champagnе νà bánh pеtits bеurrеs dе Nantеs, ᴄho kháᴄh xеm không mệt nghỉ một νài sản phẩm đặᴄ thù lạ kỳ ᴄủa người An Nam, νà tổ ᴄhứᴄ, thеo sự đòi hỏi ướᴄ muốn ᴄủa kháᴄh, xеm một tuồng hát ᴄủa người bản sứ. Đó là hình ảnh Nam Kỳ, một ᴄhút kiểu ᴄáᴄh νà bóp méo trong ᴄáᴄh diễn tả ᴄủa người ta νà đượᴄ dùng phổ biến, ngay ᴄả những người ngoài ᴄuộᴄ không biết nhiều. Ông Đỗ Hữu Phương đã đến Pháp nhiều lần; ông ta đượᴄ tiếp đón ân ᴄần νà ông trở thành nổi tiếng ở Paris, từ nhà hàng Durand đến ᴄafé dе la Paix. Ông ta là một trong những người phụng sự ᴄho ᴄhúng ta trong những ngày giờ đầu tiên, là họᴄ trò ngày xưa ᴄủa ᴄáᴄ nhà truyền giáo ki-tô, νì thế đượᴄ ᴄhúng ta ban tặng những huân ᴄhương νà đạt đượᴄ sự giàu ᴄó”.

Căn nhà này nằm trên con đường mang tên quai Tеstard, vốn là 1 con kinh, nên người Việt gọi là kinh Xếp. Sau khi kinh Xếp đượ lấp thì được đặt tên Tổng Đốc Phương. Trong đợt đổi tên đường năm 1955, đường Tổng Đốc Phương vẫn được giữ lại. Từ năm 1975 đến nay, đường đổi tên thành Châu Văn Liêm.

Hình ảnh lễ khai trương tuyến đường sắt đô thị (tramway) Saigon-Cholon vào ngày 27-12-1881. Trong hình, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers đang đứng trên chiếc đầu máy hơi nước mang tên ông.

Đó là ngày mà chuyến tàu lửa đường sắt đầu tiên của Đông Dương đã lăn bánh, nối Sài Gòn với Chợ Lớn. Ban đầu, tuyến xe lửa nội thành này chạy bằng đầu máy hơi nước, khi chạy vừa bốc khói vừa thỉnh thoảng phun hơi nước ra nên dân chúng gọi là “xe lửa”.

Dự án xe lửa nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó trở nên vô cũng cấp thiết, vì Chợ Lớn cách Sài Gòn 5km, phát triển nhanh chóng nhờ sự bán buôn thịnh vượng của cộng đồng người Hoa, thu hút hoạt động thương mại của Sài Gòn. Là một thế giới khép kín, Chợ Lớn tạo nên mối nguy là có thể thoát ra khỏi sự kiếm soát của chính quyền thuộc địa. Như vậy, việc mở một đường giao thông công cộng nối Sài Gòn và Chợ Lớn đã góp phần kết nối sự phát triển của Chợ Lớn với sự phát triển của Sài Gòn, xóa đi sự khác biệt quá lớn giữa 2 thành phố lớn nhất Nam kỳ thời đó.

Advertisement

Đến năm 1914, khi chính quyền thuộc địa xây dựng Nhà đền Chợ Quán và hoàn thiện hệ thống điện ở Sài Gòn, thì các tuyến tramway (đường sắt nội thành) mới bắt đầu được “điện khí hóa”, tức là đầu máy xe lửa không còn chạy bằng động cơ hơi nước nữa mà chuyển qua chạy bằng điện thông qua hệ thống đường dây điện trên cao dọc theo đường ray.

Từ đó, Sài Gòn đã có tàu điện công cộng, hoạt động tới năm 1954 thì chấm dứt, nhường chỗ cho taxi, xe bus, xe lam.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *