Mời các bạn xem lại bộ ảnh hiếm chụp Đà Lạt năm 1971 của nhân viên quân sự Mỹ là John Aires.
Đôi nét về Đà Lạt thời kỳ đầu thập niên 1970, khi những tấm ảnh này được chụp. Lúc này Đà Lạt là thị xã của tỉnh Tuyên Đức, được chia thành 10 khu phố, 1 xã tên là Liên Hiệp, và 1 ấp là Thái Phiên. Mỗi khu phố gồm nhiều ấp, mỗi ấp đều có ấp trưởng trực tiếp quản lý mạng lười liên gia, mỗi liên gia có từ 10-30 gia đình nằm dưới sự quản lý của liên gia trưởng về mọi mặt hành chính cũng như an ninh trật tự.
Trước đó, từ năm 1961, Tòa thị chính Đà Lạt tách khỏi Tòa hành chính tỉnh Tuyên Đức. Năm 1964, sau khi nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ và và các sĩ quan quân sự thay thế các thị trưởng dân sự, và Tòa thị chính Đà Lạt sáp nhập trở lại với Tuyên Đức thành Tòa hành chính Đà Lạt – Tuyên Đức. Chỉ đến năm 1966 thì Đà Lạt mới có trụ sở hành chính riêng biệt với cơ quan tỉnh. Một số thời điểm chức tỉnh trưởng Tuyên Đức và thị trưởng Đà Lạt là cùng 1 người đảm nhận. Chế độ tự trị và độc lập vẫn được giữ nguyên như thời trước 1954. Vai trò của Hội đồng thị xã Đà Lạt vẫn giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý hành chính.
Lúc này Đà Lạt có nhiều trụ sở hành chính của toàn quốc gia, và được định hướng trở thành một trung tâm văn hóa – khoa học – công nghệ của toàn VNCH.
Định hướng kinh tế của Đà Lạt giữ nguyên là phát triển kinh tế nghỉ dưỡng, du lịch và nông nghiệp trồng rau, hoa. Từ năm 1958, sau đại hội Lâm Viên Đà Lạt, chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm triển khai chương trình khai thác Cao nguyên Trung phần và muốn đưa Đà Lạt thành trung tâm du lịch quốc tế, mở ra hướng dịch vụ mới về giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Hàng loạt các trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo được mở, như Viện đại học Đà Lạt (1957), Trung tâm Sơn cước, Giáo hoàng Học viện, Trung tâm nghiên cứu Nguyên tử, Phòng thống kê địa phương Đà Lạt, Trường Võ bị (1958), Chi nhánh Nha Văn khố quốc gia, Thư viện Đà Lạt (1958), Hội Việt Mỹ (1963), Trường Đại học Chiến tranh Chính trị (1966), Trường Chỉ huy và Tham mưu, Trung tâm Văn hóa Pháp (1967).
Đó là chưa kể có vài chục trường sơ tiểu học, 24 trường Trung học, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, và các trường nội trú thu hút học sinh từ mọi miền tới học tập. Số lượng môn sinh/nghiên cứu viên trong tất cả các cơ sở văn hóa – giáo dục – viện nghiên cứu kể trên có lúc chiếm tới 1/3 số dân số Đà Lạt.
Năm 1971 cũng là lúc Đà Lạt đã hoàn thiện nhiều công trình phục vụ du lịch, như Chợ Đà Lạt, đường quanh hồ Xuân Hương, khu vực trung tâm, sân bay Liên Khương, một loạt khách sạn nổi tiếng như Mộng Đẹp, Ngọc Lan, Duy Tân, Anh Đào…
Các địa điểm du lịch như hồ Than Thở, thác Prenn, Thung lũng tình yêu đã được tôn tạo và xây dựng thêm. Ngoài khu biệt thự Decoux đã có từ năm 1943, có thêm nàng loạt các biệt thự mọc lên ở khu vực đường Nguyễn Du, Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Lữ Gia, Trần Bình Trọng.
Ngoài ra, Đà Lạt còn là một trung tâm tôn giáo, với nhiều chùa chiến và tu viện của các dòng tu Thiên Chúa giáo, Tin Lành được xây dựng. Đầu thập niên 1970, Đà Lạt có hơn 40 chùa, trong đó có những chùa đẹp và được du khách yêu thích như Linh Sơn, Linh Quang, Linh Phong, Chùa Tàu… Nha thờ, tu viện của 29 dòng tu Thiên Chúa giáo và các cơ sở văn hóa giáo dục do các giáo hội lập ra đã làm tăng thêm vẻ nghiêm trang cho cảnh quan Đà Lạt thuở ấy.
chuyenxua.net biên soạn